Chúng ta vẫn thường nghe nói đến màng acid bảo vệ da (acid mantle) và pH da cân bằng thì da mới khoẻ và đẹp.
Sự thật, hai khái niệm này là gì? Chúng có mối tương quan như thế nào với nhau?
Hãy cùng nhau tìm hiểu & làm rõ trong nội dung dưới đây nhé
Acid mantle thực chất là lớp hàng rào hoá học, nằm trong hệ thống bảo vệ da. Có 3 thành phần liên kết với nhau chặt chẽ, cấu tạo nên hàng rào bảo vệ da nói chung bao gồm hàng rào hoá học, vật lý và vi sinh vật.
Hàng rào hoá học là tập hợp các lipid, các chất dưỡng ẩm và axit béo tự do do da tự sản xuất và đẩy lên phía lớp sừng & bề mặt.
Hàng rào hoá học này bao quanh các tế bào sừng (chính là hàng rào vật lý), gắn kết chúng lại với nhau (giống như vữa gắn gạch) để tạo nên lớp bảo vệ vững chắc, kiên cố.
Lớp hàng rào hoá học càng dồi dào, phần đệm giữa các tế bào sừng càng dày dặn, bề mặt da sẽ càng mềm mượt, xốp và bóng mượt.
Khi lớp hàng rào hoá học này sụt giảm về lượng, lớp đệm (vữa) mỏng, xẹp xuống làm cho bề mặt da khô (ít lipid), nhám sần, dễ bong tróc do sự kết dính lỏng lẻo.
Lớp hàng rào hoá học này ở thể lỏng và mang tính acid, cho nên mới gọi nó là màng acid. Tính acid đó được đo bằng thước đo có tên gọi là pH.
Như vậy, có thể nói pH là loại chỉ số để đo tính chất của dịch lỏng là tính axit hay kiềm. Trong cơ thể, pH ở mỗi vùng là khác nhau. Bản thân mỗi vùng trên da mặt cũng có độ pH biến động khác nhau nhưng nhìn chung, da có tính acid với độ pH trung bình ở mức 4.4-5.8, trong đó mức pH cân bằng lý tưởng thường là khoảng 5.5.
pH cũng thay đổi trong ngày, có xu hướng xuống thấp khi về cuối ngày. Nguyên nhân dẫn đến thay đổi pH là do sự biến động bài tiết các dịch ẩm, stress, sự tương tác của mỹ phẩm bôi da …Khi pH thay đổi, màu sắc bề mặt da thường biến động theo. Đây là lý do vì sao da có xu hướng xạm về cuối ngày hoặc sau khi thoa nền chống nắng hoặc trang điểm khoảng một vài tiếng. pH lý tưởng ở mức 5.5 cũng thể hiện sự đủ đầy của các chất dưỡng ẩm và lipid thuộc hàng rào hoá học. Với độ pH này, lớp hàng rào sẽ đủ dày, ẩm để tạo cho lớp sừng có được sự mềm mại đồng thời bảo vệ làn da tránh được các tác động tiêu cực sau:
Vi khuẩn, khói bụi, nấm mốc … thâm nhập sâu vào da gây phản ứng viêm
Nước và các dịch ẩm bốc hơi, thoát qua da do mất lớp màng bảo vệ làm cho da khô , bong tróc, lâu ngày sẽ nổi mụn, da trở nên nhạy cảm, dễ kịch ứng
Cấu trúc sâu và các liên kết dưới da lỏng lẻo, không đồng nhất làm cho bề mặt da thiếu căng bóng, trở nên gập gềnh, chỗ dày chỗ mỏng
Các đầu cảm thụ thần kinh bị đẩy lên phía trên thượng bì gây ra nguy cơ kích ứng, nóng rát, ngứa … rất cao. Đây là lý do vì sao khi da quá khô bề mặt (tổn thương màng acid), ta thường cảm thấy châm chích hoặc nóng rát trong một lúc ngay khi mới bôi.
Màng acid cân bằng còn giúp hệ vi sinh vật (hàng rào thứ 3) vốn thường trú trên da bình ổn, ngăn ngừa viêm nhiễm và luôn duy trì được tình trạng vi khuẩn tốt kiềm chế sự phát triển của khuẩn có hại. Nhờ đó da luôn được sạch, khoẻ.
KẾT LUẬN:
pH là thước đo tính chất và độ khoẻ của màng acid và đo độ ổn định của màng acid. Khi màng acid dày, khoẻ, pH sẽ đạt chỉ số cân bằng, da nhìn chung sẽ ở trong tình trạng lý tưởng: ẩm, mượt, căng và đồng nhất. Khi màng acid suy yếu, pH sẽ thể hiện bằng chỉ số biến động (không nằm trong khoảng cân bằng) và biểu hiệu quan sát được trên da là da thô bì, sần nhám, thiếu đồng nhất, thiếu ẩm, tối xỉn màu ….
Để đạt được chỉ số pH cân bằng, chúng ta cần chăm sóc da đầy đủ và đúng cách, đúng sản phẩm, phù hợp nền da (da dầu hay khô), hạn chế sử dụng kéo dài các sản phẩm có pH thấp (lột tẩy chứa AHA, BHA…) và tăng cường các thành phần dưỡng ẩm, gia cố màng bảo vệ hiệu quả như HA, ceramide, aquaxyl, pentavitin, antarticin, kelifluo … Đối với da khô, ngoài bổ sung các thành phần dạng ngậm nước, sản phẩm cần có thêm các thành phần lipid, amino acid, peptide…. Còn với da dầu, cấp ẩm dạng ngậm nước là đủ.
Leave a Reply