Hãy tưởng tượng một quả cà chua chín mọng mới hái khỏi cây, lớp da của nó căng chắc, bóng mượt, mọng nước. Nhưng qua một vài ngày, cà chua héo dần, ta sẽ thấy xuất hiện những nếp nhăn nhỏ li ti, vỏ cà chua không còn bóng và mọng nữa do nước trong quả mất dần đi.
Làn da của chúng ta cũng vậy, khi bước qua tuổi trưởng thành, da dần mất đi sự bóng bẩy, săn chắc, mà nguyên nhân là do lượng dịch ẩm trong da sụt giảm. Cùng nhau lý giải hiện tượng này và tìm giải pháp cho nó nhé!


Đóng vai trò thiết yếu đối với việc duy trì sự căng mượt, bóng bẩy của làn da phải kể đến các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên NMFs. Chúng là các phân tử tan trong nước được hình thành tại lớp sừng (tế bào chết), là kết quả của sự phân huỷ fillagrin (chất tự nhiên giúp liên kết sợi keratin trong các tế bào sừng). Các phân tử NMFs này giúp duy trì lớp sừng mọng nước, căng và bề mặt da mềm mịn, bóng đẹp nhờ 3 tác động chính:



NMFs được cấu tạo chủ yếu từ các axit amin tự do và các dẫn xuất khác nhau của các axit amin như PCA, axit urocanic, đường, peptide, axit lactic, urê và các muối vô cơ như clorua, phốt phát, natri, kali, canxi và magiê…. Hyaluronic acid, glycerol cũng thuốc nhóm NMFs. Các NMFs liên kết với nhau và với các tế bào sừng, chúng chiếm tỷ trọng khoảng 20-30% tại các lớp sừng mới hình thành phía dưới nhưng giảm dần khi lên tới bề mặt, chỉ còn khoảng 10%. Nhờ lượng NMFs dồi dào, da được ngậm nước sẽ căng bóng & chắc khoẻ.


Khi hàng rào lipid (hoá học) hay còn gọi là màng axit bảo vệ bị tổn thương, không còn khả năng bảo vệ, các NMFs bị thất thoát qua da làm cho lượng NMFs tổng thể trong da sụt giảm. Những nguyên nhân thường thấy là: phơi nắng kéo dài, sử dụng các sản phẩm làm sạch có tính axit hoặc kiềm mạnh không tương thích với da, da sau kích ứng…
Thiếu nước trong cơ thể (uống ít nước, sốt, mất nước sau tiêu chảy …) & ngoài môi trường (môi trường điều hoà, hanh khô …) làm các thành phần hút ẩm (ngậm nước) NMFs không phát huy tối ưu hiệu quả ngậm nước được
Ngoài ra, NMFs cùng các lipids tự nhiên trong hàng rào bảo vệ cũng giảm dần theo thời gian, kể từ khi chúng ta bước vào giai đoạn trưởng thành và liên tục sụt giảm cùng với tiến trình lão hoá.
Khi NMFs sụt giảm bất thường, các dầu hiệu bất ổn tại lớp sừng sẽ lộ ra: da thô nhám, bong vảy, cứng đanh, thiếu sự mềm mại, và chắc chắn là ta sẽ không còn nhìn thấy sự bóng mượt. Và nếu ở dạng bệnh lý, chẳng hạn như ở những người da bị vảy nến hay á sừng thì NMFs nhìn chung là hoàn toàn không có.
Có thể nói, hàng rào hoá học chứa các lipids và các NMFs có mối liên quan mật thiết và tương hỗ. Nhờ có hàng rào lipids, NMFs được bảo tồn trong da. Nhờ các NMFs, lớp hàng rào này hoạt động hiệu quả và tối ưu hơn. Ở góc độ thẩm mỹ, NMFs giúp làn da mọng nước và căng bóng trong khi hàng rào lipids giúp da mượt mà, trơn láng.

Bổ sung nguồn cung cấp NMFs từ bên ngoài thông qua các sản phẩm bôi tại chỗ sẽ giúp tăng lượng NMFs trong da. Các sản phẩm đó có thể ở dạng serum hoặc kem, có chứa các NMFs tổng hợp như: Hyaluronic acid, glycerin, urea, lactic acid, amino acids, peptide… hoặc các hoạt chất cho hiệu ứng ngậm nước tương tự như pentavitin, sorbitol, butylene glycol…
Lưu ý rằng các hoạt chất hút ẩm “ngậm nước” như Hyaluronic acid, glycerin, urea… ở nồng độ cao và kéo dài sẽ có nguy cơ gây kích ứng đối với da khô và da mất nước bề mặt, nhất là trong điều kiện môi trường thiếu độ ẩm nghiêm trọng. Nên tăng cường cấp nước trực tiếp bằng cách uống bổ sung nước và sử dụng kết hợp cùng các sản phẩm cấp nước taị chỗ như lô hội… để tối ưu tính năng ngậm nước của các phân tử này. Đối với da khô, nên bổ sung NMFs từ amino acids và peptides, điều mà làn da dầu sẽ không cần.


Leave a Reply